Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 08:54:20 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Cơn "bão ngầm" trong lòng một thế hệ mồ côi sau Covid-19

Thứ Năm, 00:00 ngày 30/06/2022

 


"Không gì diễn tả được, nó đau đớn kinh khủng" - Thắm (41 tuổi, ở quận 6, TPHCM) bật khóc khi nói về vòng tròn nhớ nhung da diết lặp đi lặp lại trong ngôi nhà chật chội đang dần được thay thế bằng 4 chiếc bài vị. Điều đó càng giúp chị chắc chắn hơn cho quyết định chạy trốn khỏi Sài Gòn.

Thế nhưng, sang tháng 11, dù đã trở về quê nhà, đoàn tụ gia đình, Thắm vẫn thừa nhận: Tất cả chỉ đang che lấp vết thương. Trong sâu thẳm của Thắm, ba mẹ, chồng và em chồng mất - đó mãi mãi là sự thật, là cú đánh chí tử vào tâm can những người còn sống.

"Đau buồn đến theo cơn, khi chị gặp hình dáng ai đó giống anh. Nhưng Minh Thư (con gái-PV) thì ngược lại, nó nhớ cha mọi lúc mọi nơi" - Thắm lần đầu chia sẻ về cô con gái lên 8 của mình.

Đến tận giờ, đã 10 tháng trôi qua, Minh Thư vẫn hay gặp cha trong mơ. Ông chạy chiếc xe đạp cong vành, đèo cô đằng trước, ông nội ngồi sau và cả ba trôi theo những cung đường dài thượt. Cô bé tỉnh dậy, mỉm cười nói trong sự lạnh buốt tim gan của Thắm.

"100 ngày mất, Thư nằng nặc đòi chị phải đốt xe hơi, nhà to, quần áo đẹp cho cha và ông bà nội có thể sống tốt ở thế giới bên kia. Nó hiểu rất rõ cái chết, hay nói về Phật, Nghiệp-Duyên,… mặc dù chị chưa bao giờ dạy con. Minh Thư khác biệt hoàn toàn với tụi con nít đồng trang lứa" - Thắm lo lắng về sự thay đổi của con gái. Nhưng chính chị cũng hoàn toàn không thể nào lý giải, đặc biệt khi Thư chưa từng có một trải nghiệm sinh li tử biệt nào trước đó.
 

Hơn 2.500 trẻ em nước ta, trong đó có 2.200 trẻ em ở TPHCM như Minh Thư đã mồ côi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Bọn trẻ đang sống như thế nào? Có những trải nghiệm gì? Đối diện, chấp nhận, phản kháng hay quy hàng… ra sao trước sự mất mát đột ngột của thân nhân khi tuổi còn quá nhỏ?

Trong phần tiếp theo này, chúng tôi xin kể về thế giới đổi thay của những đứa trẻ sau Covid-19. Những chuyện buồn, vui, nước mắt, xen lẫn nụ cười từ một thế hệ mồ côi ngoài sức tưởng tượng... bên cạnh chúng ta.
 

Sau khi chôn cất người thân, Thắm quyết định ở lại quê. Không khí se se lạnh những ngày cận Tết và sự ấm áp từ bố mẹ khiến mẹ con chị khỏe hơn. Buổi sáng, trong cái sân vườn nhỏ, Thư vẫn chạy nhảy tung tăng, cười đùa theo đám con nít cùng xóm. Thắm thầm cảm ơn về quyết định liều lĩnh của mình!

Nhưng vài ngày sau, Thắm bảo, nỗi buồn của Thư thường đến đột ngột, bất ngờ như sóng ngầm. Có hôm, họ hàng tụ tập về nhà ngoại để chúc Tết, bỗng những bộ quần áo sặc sỡ và tiếng cười nói giòn tan làm Thư òa lên tức tưởi.

"Mẹ ơi! Mẹ! Nhà ngoại ai cũng đầy đủ, có người thân, gia đình, tại sao mình mất hết trơn vậy mẹ?" - con gái càng khóc bao nhiêu, càng cứa vào lòng Thắm bấy nhiêu ."Cha chết là chết, sao mẹ lại nói dối con cha đi làm xa?". Suốt hôm đó, Thư liên tục trách móc, đấm vào ngực chị.
 

Hồi ấy, để che giấu vết thương giúp con gái, Thắm quyết định nhốt Thư trên lầu. Đứng trước câu hỏi: "Ba đâu? Ông bà đâu", chị viện cớ: "Ông bà đi du lịch","Dịch nặng quá, ba phải công tác xa mới có đủ tiền nuôi mẹ con"… Nhưng ngày thứ 49, chứng kiến 4 chiếc bài vị đặt thẳng hàng ở giữa nhà, Thư khóc nấc.

"Sau đó, Thư nói rất nhiều về Nghiệp - Duyên. Có hôm, khi mẹ và chị đang nói về một người keo kiệt, lấy hết tiền boa của đứa cháu. Thư thẳng thừng đáp: "Đó là nghiệp, lấy đi sau này chắc chắn trả", khi tay vẫn nhoay nhoáy chơi đồ chơi khiến gia đình chị sửng sốt…" - Thắm nhớ.


Tâm lý thay đổi vội vàng, sâu sắc của con gái khiến Thắm thấu tận tâm can! Thế nhưng, đôi lúc chính chị phải thừa nhận, nhiều thời điểm, Thư là chỗ dựa tinh thần cho mẹ hơn là ngược lại.

Một buổi chiều, mẹ con Thắm lòng vòng trong vườn với mấy chú gà con túc tắc ăn hạt, bất giác Thư ngồi bất động rất lâu và thắc mắc: "Mẹ ơi! Gà con cũng có cha! Tại sao lại chia tách nó? Tại sao cha gà không ở lại bảo vệ con của mình?". Hồi ấy, mẹ Thắm thường nhốt đàn con vào chuồng sắt để tránh khỏi đám gà trống lớn.

Cả hôm đó, Thư buồn, nó đòi thả bằng được gà con về với cha như thể đang đòi cho chính mình. Rồi đến tối, Thư lại ấm áp lạ kỳ. Nó nằm sát Thắm, ôm chị bằng tất cả sự ấm áp mà thầm thì: "Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc! Cha mất rồi, mẹ con mình ở lại cùng cố gắng".

Thắm khóc không thành tiếng.

"Cháu biết! Biết hết! Ba mất, mẹ mất, ông bà mất… Nhưng vẫn cố tỏ ra mình không biết" - Mai Khanh (15 tuổi, ở huyện Bình Chánh) kể với tôi về trải nghiệm mất mát 5 người thân liên tiếp trong cùng tháng.

Ngày 10/7, anh Nguyễn Thanh Sang (50 tuổi, cha Khanh) qua đời sau 3 ngày trở ốm. Chỉ 2 giờ đồng hồ sau, tiếng kèn tiễn đưa anh vẫn còn vọng trong sân nhà, người bà nuôi cha Khanh cũng đột ngột qua đời.
 
Ngày 11/7, bà ngoại Khanh cho kết quả dương tính, buộc đi cách ly và mất hoàn toàn liên lạc.

Tiếp theo, ông ngoại và chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (45 tuổi, mẹ ruột của Khanh) cũng trở sốt.

Từ 1/8 đến 6/8, gia đình Mai Khanh lần lượt nhận tro cốt của tất cả thành viên vì không ai có thể quay trở về.

"Trước ngày mất, chị Mai vẫn còn gọi điện về nhà, nói rất ít và khóc do nhớ cháu. Thế mà 5 hôm sau bộ đội đã mang tro cốt về tận cửa. Tụi chị làm mọi cách để giấu tin dữ với Khanh vì nó bị lên máu. Lúc đó, không thể đi viện, nó sẽ nguy kịch" - người dì ngồi cạnh, khóc, giải thích. 

"Con biết hết, biết hết từ hôm đó. Con cố tỏ ra mình không biết thôi…" - Khanh đáp, trong sự ngạc nhiên của toàn bộ thành viên gia đình.

Khanh kể, khi lực lượng chức năng đến cửa nhà, đọc tên: "Nguyễn Thị Tuyết Mai", cô bé đã loáng thoáng nghe nhưng vẫn khước từ sự thật. Thậm chí vài ngày sau, Khanh buộc mình lao vào game, thế giới ảo trên mạng xã hội để lấp đầy khoảng trống khủng hoảng mà cô gọi là "giết chết thời gian".

Thế mà, một tuần sau, trong cuộc gọi với chị hai: "Nếu mẹ không có ở đây, em tính sống với ai?" - người chị gợi mở làm Khanh òa lên nức nở.

"Câu nói đó chạm đến tận xương tủy. Nó lớn hơn nỗi đau rất nhiều! Cháu không biết diễn tả như thế nào?" - Khanh kể với tôi và mô tả chính xác sự chia li ám ảnh bằng câu nói đầy triết lý: "Nước mắt rơi là để bớt đau buồn, nhưng thời điểm đó, cháu gần như không thể khóc, mọi thứ đã cạn, dù cháu rất yêu mẹ!".

Hoàng Xuân Hiếu

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả