Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 09:13:37 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Tăng trách nhiệm trong báo cáo kiểm toán độc lập

Chủ Nhật, 18:47 ngày 04/08/2019

Để bảo đảm tính minh bạch của thị trường chứng khoán, ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội) cho rằng, ngoài quy định xử phạt đối với vi phạm trong việc cung cấp thông tin, cần tăng trách nhiệm trong việc bảo đảm tính chính xác của các báo cáo của kiểm toán độc lập; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc kiểm soát các thông tin minh bạch thị trường. Ngoài ra, cần có một cơ quan kiểm soát hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc kiểm soát thông tin này.

Thông tin chỉ dựa trên báo cáo

- Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, cơ quan này nên độc lập. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Muốn xác định vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hay thuộc Bộ Tài chính cần phải xem hàng hóa trên thị trường chứng khoán thuộc phạm vi điều chỉnh của những cơ quan nào?

Thực tế cho thấy, hầu như thị trường chứng khoán của chúng ta chủ yếu được giao dịch với các sản phẩm hàng hóa là cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu hay còn gọi là sản phẩm tài chính thuộc thị trường chứng khoán cơ sở. Với cơ cấu chủng loại hàng hóa này thì thẩm quyền quản lý, điều chỉnh đều thuộc Bộ Tài chính nên Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính là phù hợp. Dự thảo Luật lần này đã phát triển thêm thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là một xu hướng rất đúng, giúp các nhà đầu tư có thêm công cụ giảm rủi ro trên thị trường chứng khoán cơ sở, góp phần chống được đầu cơ trên thị trường cơ sở cũng như mở rộng chủng loại sản phẩm hàng hóa giao dịch trên thị trường.

Điều 4, dự thảo Luật quy định: Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh là hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng để xác định giá trị chứng khoán phái sinh. Như vậy, các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn về giao dịch các loại hàng hóa khác đều có thể được lựa chọn cho phép giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Tôi rất đồng tình việc mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán vì không chỉ làm tăng quy mô giao dịch của thị trường mà còn mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia và tăng kênh huy động vốn cho đầu tư. Tâm lý của người Việt Nam rất “đam mê” đầu tư bất động sản. Như vậy, nếu chứng khoán hóa được các khoản vay thế chấp bất động sản thì chúng ta sẽ huy động một lượng tiền rất lớn của thị trường. Tương tự, Chính phủ hoàn toàn có thể mở rộng hàng hóa trên thị trường chứng khoán để đa dạng hóa các lĩnh vực cho các đầu tư và thu hút vốn, có thể đưa các sản phẩm giao dịch trên thị trường chứng khoán. Vai trò quản lý điều tiết hàng hóa trên thị trường lúc này sẽ vượt ra ngoài khả năng và phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, nên có cơ quan có vị thế lớn hơn để quản lý bao quát toàn bộ sản phẩm này. Khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đồng thời đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Điều nhà đầu tư rất quan tâm đó là tính minh bạch của thị trường. Vậy, thị trường chứng khoán của chúng ta đã thực sự làm yên tâm các nhà đầu tư chưa, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, chứng khoán là loại hàng hóa có nguy cơ rất cao rơi vào trạng thái thông tin bất đối xứng, tức là chỉ có người phát hành ra cổ phiếu đó biết được thực chất kết quả hoạt động, sức khỏe của doanh nghiệp này thế nào, còn những người mua chứng khoán, kể cả người sở hữu cổ phiếu cũng không biết được, mà chỉ dựa trên các báo cáo của công ty đó. Trong khi đó, một số điều kiện chào bán chứng khoán còn chưa rõ ràng, chặt chẽ, chưa phù hợp với từng loại chứng khoán chào bán và quy mô phát triển của thị trường hiện nay. Trong chào bán chứng khoán ra công chúng, chưa tách riêng điều kiện để phù hợp với tính chất khác nhau giữa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với chào bán thêm ra công chúng; chưa quy định điều kiện về quy mô phát hành dẫn đến doanh nghiệp phát hành với giá trị lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư.

Đối với chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, chưa quy định điều kiện về đối tượng tham gia, hạn chế chuyển nhượng dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ thay vì chào bán chứng khoán ra công chúng để tránh phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ trong chào bán chứng khoán ra công chúng. Khi thông tin còn “mù mờ”, tình trạng về thông tin bất đối xứng xảy ra sẽ dẫn đến nguy cơ thị trường chứng khoán có thể sụp đổ. Do đó, cần xem xét kỹ về trách nhiệm kiểm soát tính minh bạch trên thị trường chứng khoán của các cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát tính chính xác, đầy đủ của các thông tin trong báo cáo minh bạch cũng như vai trò trách nhiệm của các cơ quan kiểm soát các hành vi giao dịch. Đây là một trong những giải pháp để tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường.

Chế tài đủ sức răn đe

- Như ông vừa nói, sự thiếu thông tin sẽ dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, thưa ông?

- Để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, minh bạch là yêu cầu rất quan trọng. Tính minh bạch của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào 3 đơn vị: Một là, người cung cấp thông tin. Hai là, cơ quan kiểm toán độc lập trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty. Ba là, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc kiểm soát các hành vi thao túng thị trường.

Để tăng trách nhiệm của các chủ thể này, ngoài việc quy định xử phạt đối với vi phạm trong việc cung cấp thông tin, cần tăng trách nhiệm trong việc bảo đảm tính chính xác của các báo cáo của kiểm toán độc lập. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc kiểm soát các thông tin minh bạch thị trường. Cùng với đó, phải có một cơ quan kiểm soát lại chất lượng của các báo cáo kiểm toán và kiểm soát lại tính đầy đủ, kịp thời trong việc kiểm soát các hành vi thao túng, vi phạm của nhà đầu tư khi tham gia thị trường  mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm phát hiện và xử lý.

- Để minh bạch thị trường, bảo đảm quyền bình đẳng cho các nhà đầu tư, dự thảo Luật đã đưa ra những chế tài xử phạt đối với từng hành vi vi phạm. Theo ông, mức xử phạt như dự thảo Luật có đủ sức răn đe?.

- Về mức xử phạt, dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, tùy theo tính chất mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ thì mức phạt tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định tăng mức phạt tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Theo tôi, việc quy định chế tài tăng mức xử phạt như dự thảo Luật nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, góp phần tạo sự minh bạch cho thị trường, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!

Hà An thực hiện

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả