Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 08:28:00 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

“Kho bạc Nhà nước đã sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo”

Thứ Hai, 11:33 ngày 05/08/2019

Ngày 5.8, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước Việt Nam phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức hội thảo “Định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030”. Ông Sandeep Saxena, chuyên gia cao cấp của Vụ Các vấn đề tài khóa (IMF) cho rằng, với nền tảng xây dựng được trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Tạ Anh Tuấn cho biết, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 theo Quyết định số 138/QĐ-TTg, ngày 21.8.2007 của Thủ tướng đến nay đã gần kế thúc giai đoạn và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Để triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi và biến động không ngừng, rất cần phải có sự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đánh giá thật kỹ lưỡng. “Chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, đóng góp định hướng cho giai đoạn tới ”, ông Tuấn nói.

Theo đánh giá của ông Sandeep Saxena, chuyên gia cao cấp của Vụ Các vấn đề tài khóa (IMF), “Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực phục vụ khách hàng cả trong và ngoài khu vực nhà nước”. Cũng theo ông, “Kho bạc Nhà nước đã sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo với nền tảng đã xây dựng trong thời gian qua”.


Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước phát biểu khai mạc hội thảo.

Thời gian nộp ngân sách chỉ còn 5 phút/giao dịch

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Theo đó, hệ thống kho bạc đã hiện đại hóa quản lý thu ngân sách thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu thu điện tử giữa kho bạc - cơ quan Thuế/Hải quan – ngân hàng thương mại; mở rộng tài khoản chuyên thu; áp dụng các hình thức thanh toán điện tử trong thu nộp ngân sách. Từ đó, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, tập trung nhanh nguồn thu của ngân sách và tiết kiệm chi phí tổ chức thu. “Thời gian giao dịch nộp ngân sách giảm từ 30 phút/giao dịch xuống còn 5 phút/giao dịch, thu ngân sách không dùng tiền mặt chiếm trên 98% tổng số thu”, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Kho bạc Nhà nước cho biết.

Bên cạnh đó, thực hiện kiểm soát cam kết chi qua kho bạc, góp phần nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính và ngăn chặn nợ đọng trong thanh toán. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi ngân sách qua kho bạc theo hướng đơn giản hóa và rút ngắn thời gian kiểm soát chi từ 7 ngày xuống còn 1-3 ngày đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời, từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau. Bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro đối với chi thường xuyên, qua đó, giảm 70% số món chi, nhưng kiểm soát được tới 99% tổng số chi thường xuyên…

Công tác quản lý ngân quỹ đổi mới theo hướng an toàn, hiệu quả; hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng và tập trung số dư ngân quỹ nhà nước về Ngân hàng Nhà nước; phát triển các công cụ để quản lý ngân quỹ nhà nước.

Kho bạc Nhà nước cũng cải cách công tác phát hành, thanh toán trái phiếu Chính phủ theo hướng công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường. Qua đó, kéo dài kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, cụ thể kỳ hạn bình quân danh mục nợ từ 1,84 năm vào năm 2011 lên đến 6,8 năm. Lãi suất trái phiếu Chính phủ được điều hành theo hướng bám sát diễn biến thị trường và giảm dần qua các năm: năm 2011 là 12%, năm 2018 là 4,71%,  tiết kiệm chi phí trả lãi cho ngân sách. Đồng thời, thay đổi cơ cấu nhà đầu tư giảm sự phụ thuộc vào ngân hàng thương mại: tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của ngân hàng thương mại từ 80,4% vào năm 2015 xuống còn 47,9% năm 2018.

Công nghệ thông tin là khâu đột phá

Theo ông Tạ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021– 2030  cần phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn hiện đại hóa các chức năng của kho bạc với đổi mới mô hình tổ chức kho bạc, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới; đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021 – 2030 và phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, cải cách cơ chế, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; trong đó, chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình.

Mục tiêu của giai đoạn tới là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức bộ máy thống nhất, hướng tới mô hình kho bạc khu vực hoặc kho bạc 2 cấp để thực hiện tốt các chức năng cơ bản của kho bạc (quản lý quỹ ngân sách; quản lý ngân quỹ và huy động vốn cho ngân sách; Tổng kế toán nhà nước). Nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, đáp ứng yêu cầu của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ. Đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của Kho bạc Nhà nước được thực hiện trong môi trường số hóa và trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với các Bộ, ngành, địa phương để hướng tới hình thành “kho bạc số”.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả