Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 08:53:53 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Quy định cụ thể căn cứ ly hôn

Thứ Hai, 09:51 ngày 05/08/2019

“Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng”, “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”… là những quy định có tính chất khái quát cao, lại chưa có hướng dẫn cụ thể, nên gây khó cho tòa án trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Nhiều khái niệm gây khó

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, từ ngày 1.1.2015 - 31.12.2018, TAND các cấp đã thụ lý, giải quyết 838.186/940.578 các vụ việc hôn nhân và gia đình. Số vụ ly hôn tăng dần theo các năm, năm 2017 có 210.724/225.533 vụ, năm 2018 đã thụ lý, giải quyết 243.325/272.623 vụ. Các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28 - 35), thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung - riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng. Các tranh chấp về hôn nhân và gia đình có nguyên nhân chủ yếu do bất đồng về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế hoặc vì lý do một bên ngoại tình, không quan tâm chăm sóc bên còn lại hoặc con cái… Trong bối cảnh đó, thì những quy định liên quan đến giải quyết li hôn còn không ít vướng mắc, khó áp dụng.

 

 

Không khó để có thể liệt kê những khái niệm pháp lý gây khó cho quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình từ “tình trạng trầm trọng”, “vi phạm nghiêm trọng” đến “mục đích hôn nhân không đạt được”. Đại diện TAND Tối cao, Nguyễn Văn Vụ nêu thực tế, rất khó xác định, đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”.

Đây là một quy định mới, mang tính khái quát cao. Tuy nhiên, khi giải quyết các trường hợp cụ thể, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng”. Do vậy, việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn. Thực tế có nhiều vụ việc đương sự chỉ khai mâu thuẫn. Nhưng khi tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan, không ai biết về mâu thuẫn của vợ chồng và đương sự cũng không nhờ chính quyền can thiệp, không trình báo nên cũng không có cơ sở để đánh giá.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, TS. Bùi Thị Hòa nêu ví dụ, Luật quy định rõ “bạo lực gia đình” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn nếu nó làm cho hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Nhưng đây đều là các quy định mang tính khái quát cao, nếu không có hướng dẫn sẽ rất khó áp dụng đúng, chính xác và thống nhất khi giải quyết ly hôn. Hành vi “bạo lực gia đình” được coi là căn cứ để giải quyết ly hôn cũng chưa rõ. Trong khi theo Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có 9 nhóm hành vi được coi là bạo lực gia đình; Thiếu các căn cứ để xác định “vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình” hoặc “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng”.

Thiếu căn cứ giải quyết ly hôn

Không chỉ vướng trong việc thiếu căn cứ, hiện TAND các cấp còn rất khó xử đối với trường hợp vợ, chồng đã ly thân trên thực tế; vợ, chồng ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù; bị đơn có dấu hiệu bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Cụ thể, Luật Hôn nhân và gia đình không quy định ly thân là căn cứ cho ly hôn, mặc dù việc ly thân là một trong những biểu hiện của mâu thuẫn vợ chồng nên để giải quyết cho ly hôn tòa án lại phải thu thập chứng cứ xác định nguyên nhân ly thân, mâu thuẫn vợ chồng đã đến mức trầm trọng hay chưa? Ly thân có phải là mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng hay không. Mặt khác, thời gian ly thân bao lâu thì được coi là mâu thuẫn trầm trọng để giải quyết ly hôn? Chính vì không quy định, nên thực tiễn xét xử, các tòa án thường đánh giá ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn.

Hay, Luật Hôn nhân và gia đình chưa quy định trường hợp vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù là căn cứ cho ly hôn. Vì vậy, trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù thì không đủ cơ sở giải quyết cho ly hôn. Thực tế hiện nay, có nhiều đơn yêu cầu ly hôn của một bên đối với người đang bị truy nã do vi phạm pháp luật, người bị kiện không có mặt tại địa phương mà cũng không rõ tung tích nên khó khăn trong việc xác định mâu thuẫn vợ chồng, dẫn đến không giải quyết được vụ việc ly hôn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các thành viên khác trong gia đình.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả