Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Sáu, 20/9/2024 - 04:58:36 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Không chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực tế

Thứ Bảy, 15:47 ngày 03/08/2019

Chiều 2.8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018 đã họp Phiên thứ ba dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến.

“Đói không nhiều, nhưng nghèo thì vẫn thế”

 Nhiều biểu thống kê trong dự thảo Báo cáo đều nêu kết quả thực hiện của 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 chỉ nằm trong khoảng 5.266 xã và liên quan đến 51 tỉnh, thành phố; trong đó có một số tỉnh có dân tộc, một số tỉnh có huyện miền núi và người dân tộc, chứ không được gọi là vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Vậy việc thống kê 63 tỉnh, thành phố là miền núi có đúng không? Phải nhìn nhận đúng mục tiêu là giám sát vùng dân tộc thiểu số miền núi.
Khi thẩm tra Báo cáo của Chính phủ chúng ta cũng từng nói đến vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ lấy 42.000 tỷ đồng đầu tư chung cho TP Hà Nội là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi đó, nơi tập trung đồng bào dân tộc ở Hà Nội chỉ có huyện Ba Vì và huyện Sóc Sơn. Hay, đầu tư đắp đê kè cho đồng bằng sông Cửu Long cũng được tính là đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là không hợp lý. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến

Tại Phiên họp thứ 3, Đoàn giám sát của UBTVQH “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018”, các đại biểu đánh giá dự thảo Báo cáo kết quả về nội dung giám sát trên đã khá toàn diện, phát hiện được những vấn đề ở tầm vĩ mô, nhằm góp phần xoay chuyển nhận thức và cơ chế, chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong giai đoạn mới.

So với dự thảo Báo cáo lần 1, bản dự thảo lần 2 dài 45 trang, đã bổ sung những nhận định khách quan của quốc tế ghi nhận về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững - một điểm sáng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội nước ta. Các chính sách đầu tư phát triển KT - XH, giảm nghèo đã tạo ra chuyển biến thực rõ nét về cơ sở hạ tầng, với khoảng 25.000 công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng trên các địa bàn xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả được người dân chủ động nhân rộng, nhiều kỹ năng, tập quán sản xuất mới đã tạo ra những giống cây trồng vật nuôi năng suất cao và chất lượng tốt hơn. Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn làm nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo góp phần giúp đồng bào dân tộc ổn định đời sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời, thông qua đó khởi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng…

Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo vẫn cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương, dự thảo Báo cáo cần làm rõ việc lấy ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng chính sách, thực hiện chính sách còn rất hạn chế. Ý kiến của người dân có được tiếp thu tạo ra sự thay đổi trong cơ chế, chính sách hay không? Bên cạnh đó, cần chỉ ra quan điểm của Đoàn giám sát, giảm nghèo bền vững tức là không chạy theo thành tích mà phải đánh giá theo đúng tiêu chí thực tế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết, dự thảo Báo cáo lần này cần yêu cầu Chính phủ báo cáo thêm số liệu hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo đa chiều. Nếu không bóc tách được hai chỉ tiêu này sẽ rất khó. “Chúng ta phải so sánh nghèo thay đổi theo mỗi thời kỳ. Bởi lẽ, với tình hình trượt giá hiện nay thì giảm nghèo dường như không giảm. Đi sâu vào các bản làng, mức độ đói không nhiều, nhưng nghèo thì vẫn thế, thu nhập của đồng bào vẫn không tăng. Chúng ta đi từ thực tiễn để đưa ra đánh giá cụ thể”, Ủy viên thường thực Hoàng Quang Hàm nhận định.

Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, khi nêu các vấn đề phê bình Chính phủ, bộ, ngành, hay các mặt tồn tại, hạn chế trong dự thảo Báo cáo, chúng ta cứ nêu luận cứ đầy đủ, thuyết phục thì cơ quan bị phê bình dù không thích nhưng cũng không thể cãi lại được.


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Phiên họp thứ 3 của Đoàn giám sát UBTVQH về giảm nghèo bền vững
Ảnh: H. Ngọc

Nỗi lo “bình mới rượu cũ”…

Với câu chuyện nguồn vốn, nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hải Hữu chỉ ra rằng, đang có một thực tế là nguồn vốn bố trí rất thấp nhưng mục tiêu chung vẫn đạt. Ví dụ, có chương trình chỉ bố trí 8% vốn mà vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra. Câu hỏi này cần được giải trình, vì nguồn vốn tác động lớn đến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cũng chưa đánh giá nhiều đến công tác xuất khẩu lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, thị trường xuất khẩu lao động còn nhiều rủi ro, rất thấp. Chúng ta cần đánh giá vấn đề này ở góc độ chính sách và tổ chức thực hiện.

Giảm nghèo muốn bền vững vẫn là câu chuyện sản xuất, tăng thu nhập. Vì thế, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, dự thảo Báo cáo sớm có giải pháp tăng cường năng lực tự sinh cho vùng dân tộc. Muốn vậy, nên có cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là liên quan đến thủ tục các cấp phép và thanh toán, quyết toán để thực hiện chương trình, dự án. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cũng bổ sung, chỉ khi thay đổi cách làm, hình thành những chương trình dự án lớn theo vùng miền thì mới phát huy được hiệu quả. Cứ theo cách làm cũ, nhỏ lẻ, hoặc lo tích hợp chính sách thì cũng không có gì mới cả, há chăng chỉ là bình cũ, rượu mới! Căn cứ theo yêu cầu này, trong nhóm giải pháp, dự thảo Báo cáo cũng cần nêu thêm các giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận và tham gia vào thị trường sản xuất hàng hóa lớn.

Dự thảo Báo cáo sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Đoàn giám sát của UBTVQH tại Phiên họp thứ 4. Các đại biểu bày tỏ tin tưởng, dự thảo Báo cáo sẽ thay đổi các cơ chế, chính sách hiện hành theo hướng khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua. Khi xây dựng, ban hành chính sách mới cần có chính sách khung để địa phương thuận lợi trong việc áp dụng chính sách phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Và tính toán kỹ nguồn lực ngân sách, khắc phục triệt để chính sách đã ban hành nhưng không bố trí đủ nguồn lực. Xem xét, ban hành chính sách khuyến khích cho hộ mới thoát nghèo, trong đó ưu tiên hơn cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo gắn với điều kiện tham gia thụ hưởng cụ thể để gắn trách nhiệm bản thân khi thụ hưởng chính sách.

 Đặc biệt, phải thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Giải quyết triệt để vấn đề đất ở, đất sản xuất và giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Anh Thảo

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả