Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 23:59:27 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Gỡ văn bản này lại mắc văn bản kia?

Thứ Bảy, 12:52 ngày 03/08/2019

Để quản lý, bảo vệ, khai thác có kiểm soát các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp cũng như thực hiện Công ước Cites, nước ta đã ban hành nhiều luật, kèm theo đó là nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, tại Hội nghị đánh giá về việc thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu rõ những bất cập do sự chồng chéo, trùng lặp giữa các văn bản pháp luật hiện hành.

Đã có hệ thống văn bản pháp luật toàn diện
Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và Luật Đa dạng sinh học, cũng như Công ước Cites chỉ cấm kinh doanh vật mẫu động, thực vật hoang dã trái các quy định pháp luật. Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định cấm khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Một số loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được người dân nuôi, trồng, phát triển tốt, có khả năng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Do vậy, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường đã tước đi quyền kinh doanh chính đáng của người dân.

Báo cáo của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, Bộ NN - PTNT


Đây là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà. Theo đó, để quản lý, bảo vệ, khai thác có kiểm soát các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, nước ta đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tích cực thỏa thuận, tham gia các điều ước của Cites. Trong đó, phải kể đến các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng gồm: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Lâm nghiệp…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Văn Điển cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về cơ bản đã thể hiện đầy đủ những quy định quan trọng của Công ước Cites, từ chế độ quản lý đến xử lý hành vi vi phạm, xử lý vật mẫu bị buôn bán, tàng trữ trái pháp luật. Thậm chí, với việc Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội danh và định khung hình phạt cho các hành vi vi phạm pháp luật đối với động, thực vật hoang dã thuộc các phụ lục của Công ước, ông Điển cho biết, Việt Nam đã thuộc nhóm quốc gia có khung hình phạt nghiêm khắc nhất trên thế giới.

Không phủ nhận nỗ lực ở cấp độ xây dựng pháp luật, song tại hội nghị, các chuyên gia đã chỉ ra thực tế là “giữa các văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo”. Cụ thể là, sự chồng chéo về cơ quan quản lý bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp khi Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản quy định Bộ NN - PTNT chủ trì quản lý, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học rừng và thủy sản nhưng Luật Đa dạng sinh học lại quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, gồm cả đa dạng sinh học rừng và biển. Hay Nghị định số 59/2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen chồng chéo với Nghị định 06/2019 về quản lý động, thực vật hoang dã nguy cấp và Luật Lâm nghiệp đã gây ra hiện tượng “giấy phép chồng giấy phép”.
 
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị

Chuyên gia của Dự án USAID/USS cũng chỉ ra một vướng mắc trong xử lý vật mẫu bị buôn bán, tàng trữ trái pháp luật khi theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật mẫu sẽ phải tịch thu, tiêu hủy; tịch thu và xung công quỹ nhà nước (Điều 106). Do tham gia Công ước Cites nên không thể bán ngà voi, sừng tê giác, chỉ có thể tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, việc này lại mâu thuẫn với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khi quy định chỉ áp dụng hai hình thức lưu giữ, bảo quản với vật mẫu thu giữ được. Trong khi đó, chuyên gia của USAID lưu ý, việc tiêu hủy mẫu vật sẽ giúp nâng hạng cho Việt Nam trong xếp hạng của Công ước Cites.

Tháo gỡ đồng bộ

Đại diện một số trung tâm cứu hộ, vườn quốc gia, hiệp hội phía Bắc cũng đưa ra nhiều khó khăn trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình do sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Trước thực tế này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho rằng, nếu không tháo gỡ đồng bộ sẽ gây khó khăn trong thực thi, cản trở việc cứu hộ động, thực vật hoang dã. Ông Tùng đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động xây dựng lộ trình hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh việc buôn bán, kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã, thực thi Công ước Cites. Trong đó, cơ quan chuyên môn cần đưa ra hệ thống kiến nghị bài bản, lớp lang, với lộ trình thực hiện cụ thể, qua đó giúp ĐBQH có dữ liệu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Để thực thi Công ước Cites hiệu quả cũng phải khắc phục một số hạn chế khác liên quan đến tổ chức cơ quan phụ trách, thực hiện các hoạt động cụ thể. Như ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà, việc quản lý, kiểm soát nguồn gốc giống, cá thể động, thực vật hoang dã nguy cấp được gây nuôi chưa chặt chẽ. Việc quản lý mới dựa trên cấp phép hoạt động cho cơ sở và giấy xác nhận số lượng cá thể do cơ quan chức năng cấp, chưa có quy định về đánh dấu cá thể gây nuôi. Điều này đã dẫn đến tình trạng bị lợi dụng để buôn bán, vận chuyển động, thực vật nguy cấp, quý hiếm bất hợp pháp. Việc kiểm soát hành vi buôn bán, vận chuyển, xuất, nhập khẩu động, thực vật hoang dã nguy cấp còn nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu, năng lực nhận biết mẫu vật vi phạm của cơ quan chức năng hạn chế… trong khi hành vi này càng ngày càng tinh vi hơn.

Hội nghị nằm trong kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thực thi Công ước Cites của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Những phân tích, đánh giá đưa ra tại hội nghị sẽ là thông tin hữu ích để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban. Trong đó, có lẽ báo cáo kết quả giám sát cần đưa ra kiến nghị cụ thể về việc hoàn thiện hành lang pháp lý, vì như ĐBQH đã chỉ ra “gỡ văn bản này sẽ mắc văn bản khác”.
 

Lê Bình

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả