Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 08:24:27 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Chính phủ đã lường trước những lo ngại về cao tốc Bắc – Nam

Chủ Nhật, 11:15 ngày 04/08/2019

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ do Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức chiều qua, nhiều vấn đề nóng đã được trao đổi thẳng thắn, rõ ràng, trong đó có việc lựa chọn nhà thầu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, “vấn đề lòng dân” liên quan an ninh - quốc phòng của dự án này đã được Chính phủ lường trước, nên “phải yên tâm” với việc lựa chọn nhà thầu thực hiện.

“Phát triển toàn diện trên tất cả các mặt”

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: “Tổng quan là phát triển toàn diện trên tất cả các mặt”. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn luôn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,18%, bình quân tăng 2,61% “là điều rất đáng mừng”, ông Dũng nói.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định những lo ngại liên quan cao tốc Bắc - Nam đều được Chính phủ lường trước. Ảnh: Đan Thanh

Thêm vào đó, theo chỉ số phát triển bền vững 2019 vừa được Ban Thư ký Liên Hợp Quốc công bố, Việt Nam xếp hạng 54/162 quốc gia, vùng lãnh thổ; thứ 2 trong khu vực ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh như chỉ số nghiên cứu phát triển tăng 14 bậc, chỉ số sáng tạo trực tuyến tăng 10 bậc…

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông khó lường, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2%, thấp hơn dự báo ban đầu là 0,1%; hầu hết các nước có mức tăng trưởng thấp, nhiều nước tăng thấp nhất trong 10 năm qua, thì Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Chẳng hạn, IMF dự báo tăng trưởng của nước ta cả năm nay vào khoảng 6,5%, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức 6,6%; mức dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6,8%.

Mặc dù vậy, Chính phủ thừa nhận tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức lớn. Đó là ngành nông nghiệp gặp khó khăn do nắng nóng, hạn hán; cháy rừng; giá nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản giảm như giá cá tra hiện chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg… Thêm vào đó, nhiều công trình trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; công tác cổ phần hóa và thoái vốn chậm, từ đầu năm đến nay cổ phần hóa mới thu về 562 tỷ đồng. Cải cách hành chính chậm, còn tình trạng nợ đọng văn bản của các bộ, ngành. “Kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ là phải bảo đảm thực hiện toàn bộ chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao, tăng trưởng thấp nhất 6,8%, CPI dưới 4%”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin.

“Doanh nghiệp giải thể không phải do Nhà nước”

Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như ngừng hoạt động, giải thể tiếp tục tăng. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung trong 7 tháng, cả nước có 103.599 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 57.200 doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ; trong đó hơn 23.100 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,6%; khoảng 24.800 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 15,3%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 20%...

Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, việc doanh nghiệp gia nhập hay rời khỏi thị trường là điều bình thường. Ông Thắng nhấn mạnh, chúng ta khuyến khích hình thành hệ thống doanh nghiệp tư nhân, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Số lượng doanh nghiệp thành lập năm nào cũng cao hơn số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, điều đó chứng tỏ môi trường kinh doanh được cải thiện. “Việc giải thể hay rời thị trường hoàn toàn là quyết định cá nhân của doanh nghiệp chứ không phải do Nhà nước”, ông Thắng nhấn mạnh, bởi Nhà nước chỉ tạo môi trường thuận lợi, còn doanh nghiệp có tiếp tục hoạt động hay không là do chính họ.
 

Phải để doanh nghiệp Việt Nam tham gia cao tốc Bắc - Nam

Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua là lựa chọn nhà thầu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với dự án này, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội xác định đoạn ưu tiên thực hiện giai đoạn 2018 - 2021 có tổng chiều dài 654km với 8 đề án phân chia. “Để phân chia dự án này, chúng tôi đưa ra tiêu chí và đánh giá rất kỹ, vì đây là dự án được xây dựng và thu phí theo hướng đối tác công - tư (PPP). Do vậy, phải xem xét tính hiệu quả của dự án, có kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị và các đường hiện hữu hoặc kết nối Quốc lộ 1 hay không, từ đó xác định điểm đầu và điểm cuối dự án. Trên tiêu chí này, chúng tôi xác định những dự án ngắn và tối thiểu có thể để bảo đảm hiệu quả cũng như tính kết nối, thu phí hoàn vốn kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia”, ông Đông nói.

Cũng theo đại diện Bộ GTVT, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, để được tham gia đấu thầu thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm mức vốn chủ sở hữu bằng 20% tổng mức đầu tư. Vì dự án thực hiện theo hình thức PPP nên phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, đồng nghĩa phải đấu thầu quốc tế. Song, đại diện Bộ GTVT xác nhận, Luật Đấu thầu quy định trường hợp ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện dự án trong giai đoạn sơ tuyển, đánh giá sơ tuyển trước khi chính thức đấu thầu. Ông Đông khẳng định sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và cấp có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu cho dự án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng bổ sung, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chỉ đạo chung của Chính phủ là phải tổ chức đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch, không tiêu cực để chọn nhà thầu có năng lực. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát trục đường này, bảo đảm một số tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Dự kiến, trong số 11 dự án có liên quan, 2 dự án sẽ khởi công vào tháng 10 tới, 1 dự án khởi công vào cuối quý I đầu quý II năm sau, còn lại 8 dự án sẽ xem xét liên quan đoạn tuyến, quốc phòng - an ninh thì phải báo cáo Chính phủ. Ông Dũng nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà thầu cho dự án này thì “phải yên tâm” vì tất cả những lo ngại ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, tức “vấn đề lòng dân” đều đã được Chính phủ lường trước.
 

Đan Thanh

Bình Luận

Vui lòng đăng nhập để Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả