Đăng ký
Đăng nhập
Thứ Năm, 19/9/2024 - 09:03:09 Đường dây nóng: 0936 650 620 Liên hệ quảng cáo: (024) 62820721 Cơ quan: (024) 62820712 Email: lh-long@tienphongtf.com

Đổi mới cơ bản, đồng bộ, lâu dài

Thứ Sáu, 10:00 ngày 02/08/2019

Trước nguy cơ mai một về văn hóa vùng dân tộc thiểu số, tại Hội nghị tham vấn sáng kiến Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu khuyến nghị, cần đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Ban hành các chính sách cụ thể, tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc.

Nguy cơ mai một văn hóa

Chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề được các đại biểu dự hội nghị quan tâm. Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn hóa các dân tộc thiểu số là một phần quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ước tính, có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn với phát triển du lịch, khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó, nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số…

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận, sự quan tâm của các ngành, các cấp trong công tác văn hóa, thể thao và du lịch nói chung, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ. Chúng ta còn thiếu các văn bản hướng dẫn để triển khai áp dụng mức kinh phí hỗ trợ các nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại một số địa phương, chưa quan tâm nhiều đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, người có công trong việc lưu giữ, truyền dạy, bảo tồn những giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đại diện tỉnh Lai Châu cho biết, các dân tộc đang có nguy cơ mai một văn hóa, nhất là ở các dân tộc còn rất ít người, khu vực biên giới, khu vực tái định cư, di dân tự do. Đáng chú ý hơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương thông tin, số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; như tại đồng bào Ơ’đu chỉ còn duy nhất một người biết nói tiếng dân tộc.

Nhiều đại biểu nhận định, ngôn ngữ của các dân tộc là sự thể hiện trình độ phát triển, văn hóa và tư duy của từng dân tộc. Vì thế khi một ngôn ngữ biến mất đồng nghĩa với một phần lịch sử, văn hóa của nhân loại cũng bị “nghèo” đi.

Hạn chế tối đa sự đồng hóa về văn hóa

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều đại biểu đề nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Ban hành các chính sách cụ thể, tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc. Trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, chúng ta cần tổng kết, đánh giá Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số đến năm 2020, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho địa bàn vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số xây dựng thiết chế văn hóa truyền thống phù hợp với văn hóa truyền thống của từng địa bàn, từng dân tộc.

Một số đại biểu cũng cho rằng, cần có nguồn hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số thông qua hình thức dạy tiếng, chữ viết của các dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng sâu, vùng xa nơi có dân tộc thiểu số cư trú. Nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG) bổ sung, sắp tới khi xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nên đưa cơ chế duy trì và phát triển ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số như khuyến khích, bắt buộc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong giáo dục bậc tiểu học, đẩy mạnh truyền thông về giá trị, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Đưa chỉ tiêu giáo viên tiểu học là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số vào Đề án.

Từ góc độ địa phương, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho rằng, việc thường xuyên tổ chức lễ hội truyền thống của các dân tộc rất ít người cũng rất cần thiết, nhằm giữ gìn bản sức văn hóa, hạn chế tối đa sự đồng hóa về văn hóa giữa các dân tộc này với dân tộc xung quanh. Đồng thời đẩy mạnh việc giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trong vùng để tăng tính thích ứng và hòa nhập. Xây dựng môi trường sống nhằm bảo đảm không gian văn hóa của các dân tộc rất ít người, đó là rừng, sông suối - đây là những thứ gắn bó chặt chẽ với đời sống kinh tế - văn hóa cộng đồng.

Các đại biểu nhấn mạnh, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong thời kỳ mới chính là tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi những tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Anh Thảo

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập đối với lãi gửi tiết kiệm của cá nhân?

Gửi bình chọn Xem kết quả